Copyright: SNV Việt Nam
Thành phố Cần Thơ, ngày 26 tháng 7 năm 2022 - Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV, phối hợp với Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng tổ chức Hội thảo Khởi động cấp Quốc gia Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” (TRVC). Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu bao gồm đại diện của Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tại Việt Nam; đại diện Nhà tài trợ Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN&PTNT; Bộ TN&MT cùng và các Sở Nông Nghiệp & PTNT, Chi Cục BVTV và Trung Tâm KN của ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang; cùng nhiều chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và gần 30 Doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu Lúa gạo lớn ở ĐBSCL.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, nước biển dâng và xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp khiến cho điều kiện sản xuất của vùng ngày càng khó khăn hơn. Các hành động cần thiết cần được thực hiện khẩn trương để chuyển đổi sản xuất lúa gạo theo hướng các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chính phủ Việt Nam đã kịp thời xây dựng và ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn; Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật BVMT về ứng phó với BĐKH; và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn đã ban hành Quyết định 555/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành cấu ngành Lúa gạo Việt Nam giai đoạn tới 2025 và 2030. Đề án Tái cơ cấu Lúa gạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi canh tác lúa theo hướng bền vững, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và lợi ích cho người tiêu dùng; nâng cao chất lượng thay vì tăng sản lượng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại mang tầm chiến lược như CPTPP, EVFTA, tạo điều kiện cho ngành lúa gạo của Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai. Tại Hội nghị Lần thứ 3 về Phát triển Bền vững ĐBSCL Thích ứng với Biến đổi Khí hậu, Nhóm các Đối tác Phát triển đã cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp nối thành công của Dự án “Sản xuất Lúa Bền vững và Giảm Phát thải Khí Nhà kính AgResults” (AVERP) tại tỉnh Thái Bình, dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại Giao và Thương Mại Úc (DFAT); Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV đang tiếp tục hợp tác với các đối tác Chính phủ ở cấp trung ương và địa phương để thiết kế Dự án: “Chuyển đổi Chuỗi Giá trị Lúa gạo Ứng phó với Biến đổi Khí hậu và Phát triển Bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long” (TRVC). Sử dụng cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả, Dự án TRVC khuyến khích và thu hút sự tham gia của các Doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong Chuỗi giá trị lúa gạo để đẩy mạnh việc mở rộng ứng dụng trên quy mô lớn các công nghệ sản xuất lúa tiến bộ nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các nông hộ nhỏ và toàn thể tác nhân trong chuỗi, nâng cao chất lượng lúa gạo và các giá trị xã hội bao trùm trong khi đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường như các đồng lợi ích. Qua đó, Dự án sẽ đóng vai trò xúc tác tạo ra sự chuyển đổi sản xuất và kinh doanh lúa gạo theo hướng bền vững và mang lại các giá trị bao trùm ở ba tỉnh có diện tích sản xuất Lúa lớn nhất ĐBSCL; đóng góp tích cực vào các mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với khí hậu tại ĐBSCL của Chính phủ Việt Nam.
Ông James Deane, Bí Thư thứ hai, Đại sứ Quán Australia tại Việt Nam chia sẻ:
“Chính phủ Úc và chính phủ Việt Nam cùng hợp tác thực hiện những hành động cụ thể, tham vọng nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu, vấn đề hiện đang cấp bách trên toàn cầu. Phối hợp với Bộ NN & PTNT Việt Nam và SNV thực hiện dự án này là một cơ hội tuyệt vời để vừa giúp giảm phát thải khí CO2, vừa giúp các nông hộ nhỏ thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.”
Ảnh 1. Ông James Deane phát biểu tại Hội thảo Khởi động cấp Quốc gia
Ông Peter Loach – Giám đốc Quốc Gia của SNV chia sẻ:
“Với thành công của Dự án AVERP, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng những kết quả đã đạt được của dự án, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp trong khối tư nhân tham gia vào cuộc thi, mang đến các tác động bền vững, hướng tới nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu đến từ một trong những dự án được kỳ vọng nhất về chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.”
Ảnh 2. Ông Peter Loach phát biểu tại Hội thảo Khởi động cấp Quốc gia
Ông Nguyễn Như Cường, Cục Trưởng Cục Trồng Trọt, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã kết luận chỉ đạo tại Hội nghị:
“Thực hiện chủ trương chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó phát triển sản xuất tuần hoàn, sản xuất xanh, giảm chi phí đầu vào nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững gắn với giảm phát thải khí nhà kính đang được triển khai mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất Trồng trọt của Việt Nam. Ngành Trồng trọt mong muốn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Chính phủ, các tổ chức Quốc tế trong việc thực hiện các mục tiên trên. Cục Trồng trọt đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính Phủ Úc và sự hợp tác quốc tế với tổ chức SNV để đồng hành cùng giải quyết các thách thức của ngành hàng Lúa gạo ở khu vực ĐBSCL; thúc đẩy các sáng kiến có ý nghĩa thực tiễn và mang lại các giá trị bền vững”.
Ảnh 3. Ông Nguyễn Như Cường kết luận chỉ đạo tại Hội thảo Khởi động cấp Quốc gia
Dự án TRVC (2022-2027) dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng 300.000 hộ nông dân trồng lúa, giảm phát thải khoảng 200.000 tấn CO2, tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào cho các nông hộ. Đề xuất các phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện và kiểm định quốc tế nhằm nhân rộng tại Việt Nam. Các đơn vị quan tâm sẽ được mời nộp đề xuất Kỹ thuật sản xuất lúa bền vững theo hướng dẫn và lộ trình của Dự án TRVC.
Top