Copyright: SNV Việt Nam
Dự án “Sản xuất Lúa Bền Vững và Giảm Phát Thải Khí Nhà Kính tại Thái Bình” (AVERP) được thực hiện trong 5 năm (2016 – 2021) với cơ chế “kéo” – trao giải thưởng dựa trên kết quả. Tổng ngân sách Dự án trị giá 8 triệu USD được tài trợ bởi DFAT, CIDA, UKAID, USAID và Quỹ Gates nhằm mục đích phát triển, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp đổi mới giúp tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo.
AVERP là một trong những dự án giảm phát thải tiên phong được thực hiện với số lượng lớn nông dân sản xuất nhỏ và là dự án đầu tiên sử dụng Cơ chế Trao giải thưởng dựa trên Kết quả (Pay-for-Results hoặc PfR).
1. Dự án “Sản xuất Lúa Bền Vững và Giảm Phát Thải Khí Nhà Kính tại Thái Bình” (AVERP)
Do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tại Việt Nam chủ trì và được triển khai trong giai đoạn 2017-2021 tại tỉnh Thái Bình ở Đồng bằng sông Hồng, Dự án đã phát triển và áp dụng một cách tiếp cận rất sáng tạo bằng cách tổ chức một cuộc thi, có cơ chế “kéo” - Trao giải dựa trên kết quả (PfR) để thu hút các thành phần tư nhân đa dạng tham gia phát triển, thử nghiệm và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo giúp giảm phát thải khí nhà kính và tăng năng suất lúa – từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế của các nông hộ nhỏ.
Dự án được tiến hành theo hai giai đoạn. Giai đoạn I của Dự án gồm 2 vụ thử nghiệm được bắt đầu vào Vụ Mùa năm 2017, kéo dài đến Vụ Xuân 2018, với sự tham gia của 11 Đơn vị dự thi. Dựa trên kết quả Vụ Mùa 2017 (vụ đầu tiên thử nghiệm), 9 trong tổng số 11 Đơn vị dự thi đã được trao giải theo tỷ lệ tương ứng với mức giảm KNK và tăng năng suất..
Giai đoạn II bao gồm 4 vụ liên tiếp, bắt đầu vào Vụ Xuân năm 2019, kết thúc vào Vụ Mùa năm 2020. Kết thúc giai đoạn thử nghiệm, 4/11 Đơn vị dự thi có thành tích cao nhất đã được lựa chọn để bước tiếp vào Giai đoạn II. Đây là những Doanh nghiệp sở hữu những gói công nghệ tiên tiến, được đánh giá là có nhiều triển vọng để áp dụng sản xuất trên diện rộng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo đặc biệt là cắt giảm KNK.
2. Các kết quả chính của dự án
Trải qua 5 năm triển khai và thực hiện tại tỉnh Thái Bình, Dự án “Sản xuất Lúa bền vững và Giảm phát thải khí nhà kính AgResults (AVERP)” đã tạo ra một môi trường, sân chơi bình đẳng cũng như ứng dụng các phương pháp kiểm định tiên tiến nhất để tìm ra các gói công nghệ thực sự mang lại hiệu quả về tăng năng suất lúa nhưng lại giảm khí nhà kính, từ đó mang lại hiệu quả sản xuất bền vững cho Đồng Bằng Sông Hồng.
AVERP đã thành công trong việc chứng minh cơ chế giải thưởng PfR đã hoạt động cực kỳ hiệu quả để khuyến khích nhân rộng các công nghệ lúa gạo ít carbon/thông minh thích ứng với khí hậu, đặc biệt là khi so sánh với các phương pháp tiếp cận cơ chế thúc đẩy tiêu chuẩn được sử dụng bởi các chương trình của chính phủ và các dự án phát triển khác.
Cụ thể, những kết quả vô cùng tích cực đạt được từ dự án AVERP bao gồm:
-
Khuyến khích sự tham gia và đầu tư của khu vực tư nhân: AVERP thúc đẩy đầu tư đáng kể của các đối thủ cạnh tranh (trong khoảng từ 79 USD đến 160 USD/ha);
-
Nông dân sản xuất nhỏ áp dụng các công nghệ carbon thấp: Có đến hơn 37 nghìn nông dân sản xuất quy mô nhỏ đã áp dụng các công nghệ mới vào hoạt động canh tác của họ, trong đó có 73,5% phụ nữ tham gia;
-
Tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân: Năng suất của nông dân tăng 14% so với nông dân so sánh phù hợp. Giá trị thu hoạch ròng của họ (giá trị sản xuất trừ chi phí) cao hơn 11% so với những nông dân khác.
-
Giảm phát thải khí nhà kính: So với những hộ nông dân không tham gia dự án thì những hộ tham gia có nhiều khả năng sử dụng các biện pháp liên quan đến “phát thải khí nhà kính thấp” hơn, bao gồm trồng trọt với mật độ thấp, giảm sử dụng phân bón và quản lý dư lượng cây trồng được cải thiện.
-
Hiệu quả chi phí: Không tính đến giá trị tiềm năng của việc giảm phát thải khí nhà kính, AVERP có chi phí tương tự như các dự án không thuộc PfR ở Việt Nam khi xét về chi phí trên mỗi nông dân và trên mỗi ha để chuyển giao công nghệ.
-
Tính bền vững: Ngay cả khi không có các ưu đãi trực tiếp (tín chỉ carbon hoặc ưu đãi về giá), ít nhất hai trong số các đối thủ cạnh tranh thành công nhất có thể sẽ được tiếp tục quảng bá các gói công nghệ mới của họ. Nông dân cũng rất tích cực về việc tiếp tục sử dụng công nghệ theo các thỏa thuận tương tự.
Sau đây là kết quả đạt được từ dự án AVERP ở dạng số liệu
Với những thành công rực rỡ, AVERP đã tạo điều kiện cho SNV có thể nhân rộng mô hình này đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực chiếm phần lớn lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Có thể nói, dự án AVERP là một bước đệm vững chắc cho sự ra đời và phát triển của dự án “Chuyển đổi Chuỗi giá trị Lúa gạo ứng phó với Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long” (TRVC).
Top